Văn bản mới

Thống kê truy cập

Liên kết website

Thông tin tuyên truyền

Bác Hồ - Mạch nguồn sáng tác bất tận

19/05/2020 00:00 93 lượt xem

“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất/Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”, lời bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến đã phần nào nói lên được mối liên hệ kỳ diệu giữa Bác Hồ với Nhân dân Việt Nam. Mối liên hệ kỳ diệu đó luôn là mạch nguồn sáng tác vô tận cho những văn nghệ sĩ. Tác phẩm nào cũng hay, cũng xúc động.

 

            Trong văn học nghệ thuật Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ kính yêu luôn là đề tài muôn thuở. Đặc biệt, trong tâm tưởng của đồng bào các DTTS thì Bác Hồ luôn là một hình ảnh đẹp không có gì sánh nổi. Vì thế, có gì đẹp hơn, tự hào hơn khi mỗi một người con dân đất Việt nói chung và đồng bào các DTTS nói riêng từ núi rừng, hải đảo xa xôi đến tận chót mũi Cà Mau hay địa đầu Tổ quốc đã dành cho Người những vần thơ chan chứa nghĩa tình.

Đồng bào các DTTS thường có cách nói rất mộc mạc, chân chất; cách so sánh liên tưởng thật cụ thể để diễn tả một vấn đề gì đó, hay để bộc lộ một tình cảm, một nỗi lòng đối với những con người mà họ tôn sùng. 

Với đồng bào Tây Nguyên, đã gửi gắm trọn vẹn lòng thương yêu trìu mến của mình đối với Bác Hồ bằng những vần thơ mộc mạc và giản dị - giản dị như chính con người, lối sống, tiếng nói hằng ngày: “Hồ Chí Minh - Người là con sông lớn/ Người là mặt trời, Người là mặt trăng/ Mùa lạnh nhắc tên Hồ Chí Minh - cái bụng ấm/ Mùa nắng nhắc tên Hồ Chí Minh - mây thêu mặt trời hồng/ Mùa Thu nhắc tên Hồ Chí Minh- mây lắng trời trong/ Mùa Xuân nhắc tên Hồ Chí Minh- cây cỏ đâm nhựa, trổ bông…”

Đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Mông ở Việt Bắc, Tây Bắc cũng luôn cảm nhận được tình cảm của Bác Hồ dành cho họ. Họ thường dạy cháu con rằng: “Đất nước ta có Cụ Hồ/ Cụ Hồ thương dân đất Mường ta, sông bể không bằng...”.

Không chỉ trong âm nhạc, thơ ca, hình ảnh Bác Hồ cũng chiếm một phần không nhỏ trong các tác phẩm hội họa. Họa sĩ Dương Đức Điện là một trong các tác giả thành công về hình tượng Bác Hồ. 

Trong suốt cuộc đời sáng tác, ông đã vẽ hàng trăm tranh cổ động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị; trong đó nổi bật, là các tác phẩm chân dung Bác Hồ trên nhiều chất liệu như: Bột màu trên pa-nô khổ lớn, bột màu trên giấy, sơn dầu trên toan, khắc tổng hợp, ghép gốm màu. 

Trong số hàng chục bức vẽ về Bác Hồ, họa sĩ Dương Đức Điện tâm đắc với những tác phẩm: “Bác Hồ vẫn bên chúng ta” (1967), tranh chân dung khổ lớn về Bác Hồ (1975), “Bác Hồ thăm Nhà máy Dệt” (1984), tranh gốm màu Bác Hồ (2000), “Bác Hồ thăm nhà trẻ Nhà máy dệt” (2003) và chân dung Bác Hồ (2004)... “Bác Hồ vẫn bên chúng ta”… 

Dẫu biết rằng Bác đã đi xa, nhưng những hình ảnh, câu chuyện, bài học, lời căn dặn của Người vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, tiếp tục khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho văn nghệ sĩ.

Chắc chắn, những sáng tác nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được gìn giữ và nhân lên theo năm tháng, giúp thế hệ ngày nay hiểu hơn về cuộc đời bình dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, từ đó không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo báo: Dân tộc & phát triển VN


Tin khác